Mình đã trở về nhà sau bốn ngày lênh đênh trên biển cả. Có một số Anh Chị vẫn còn tiếp tục những chuyến du hành về miền xa xôi nào đó. Có thể trở về tiểu bang mình cư ngụ. Có thể đến một thành phố nào đó để thăm viếng thân nhân, bằng hữu. Và các bạn đến từ VN, cố dành một chút thời gian còn lại tham quan danh lam thắng cảnh xứ người. Hợp rồi tan – tan rồi sẽ hợp. Hy vọng sẽ vậy, để bọn mình còn có Đại Hội lần bảy, lần tám và dài dài nữa. Mặc dù biết rằng con số Đại Hội càng cao thì con số tham dự sẽ đi xuống theo tỷ lệ nghịch với thời gian. Thời gian có chờ ai bao giờ! Rồi ngày mai biết có còn gặp lại! Nhưng hôm nay thì vẫn cứ vui vẻ. Nét rạng rỡ vẫn hiện lên trên từng khuôn mặt và tiếng cười vẫn rổn rảng trên môi. Như vậy là đủ. Như vậy là HẠNH PHÚC, phải không các bạn?

Hôm nay, trời LA âm u ảm đạm. Trời vào thu, mây mù giăng giăng khắp lối. Tự nhiên mình thèm viết mà lại không biết viết gì và bắt đầu từ đâu. Thôi thì nhớ gì viết nấy. Một chút tào lao. một chút lẩn thẩn. Mong Thầy Cô và các thân hữu thông cảm. Bài tập làm văn nầy là một bài tập làm văn kỳ cục, không giống ai bởi vì nó không theo qui luật mà các Thầy Cô chỉ bảo – vào bài, thân bài, kết luận – nên em biết rằng sẽ không thể nào được điểm xuất sắc của Thầy Cô, nhưng cũng xin cho em đủ điểm đậu để em còn can đảm viết tiếp. Em xin Thầy Cô...

Sau bao trắc trở, truân chuyên, rồi Đại Hội 6 NLSBDHN cũng đến, cũng đã hoàn thành tốt đẹp, mỹ mãn trong niềm hân hoan mong đợi của tất cả Thầy Cô và học viên. Đừng nhìn những mái tóc phai màu, đừng để ý những dáng đi lọm khọm, đừng nhìn những nét nhăn trên những khuôn mặt dày dạn gió sương, những phong trần trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy những nét rạng rỡ, hân hoan, những tiếng cười sảng khoái, những tiếng nói rổn rảng, hào sảng khắp nơi trong khuôn viên Đại Hội. Không có những hỏi han khách sáo, trống rổng, mà chỉ có những câu chào đón chân tình, những cái gì đó thật là “Áo Nâu”, khó mà diễn tả. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe. Tất cả đều khởi đầu bằng hai chữ “Hồi Đó” và kết thúc bằng hai chữ “Phải Chi”.

Các bạn nam:

 - Hồi đó, bao năm trời tao đã đi theo cô nàng mà không dám nói một tiếng!

 (các bạn biết tiếng gì rồi chớ?)

 Các bạn nữ:

 - Hồi đó, tao cũng thương ảnh lắm. Đợi hoài mà ảnh cứ làm thinh!

Hồi đó – Ôi hai chữ “hồi đó” sao mà nó có cái gì đó, một chút hối tiếc, một chút vấn vương…

Để kết thúc.

Các bạn nam:

 - Phải chi tao nói một tiếng thì chắc bây giờ…

Các bạn nữ:

 - Phải chi ảnh nói thương tao thì có lẽ…

Phải chi – Ôi hai chữ “phải chi”, sao mà nó ngậm ngùi, chua xót, thấm thía vô cùng.

Để rồi tất cả đều ngâm câu "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở!!!"

Và các bạn của tôi ơi. Bạn có thấy chữ “THƯƠNG” đẹp lắm không? Tuyệt vời lắm không? Ở cái thời chúng mình - với tôi – chúng mình không biết YÊU, chúng mình chỉ biết THƯƠNG thôi. Yêu là cái gì đó mong manh, dễ vỡ - Yêu rồi không Yêu – Nhưng “Thương” thì khác. Chân thành, sâu lắng, vĩnh cửu. Nó thắm thiết và nó… "Tóc mai sợi vắn, sợi dài, lấy nhau không đặng, thương hoài ngàn năm…"  Thương hoài ngàn năm cho dù đời người chỉ có trăm năm…

 

 

Đại Hội 6 NLSBDHN đã thành công một cách ngoạn mục, tốt đẹp. Tôi viết như thế bởi vì ở thời buổi này, ở tuổi này mà các bạn đã làm được như vậy thì phải nói sao, viết sao? Sự thành công đó ắt phải có. Ta là dân NLS mà, làm cũng đẹp, chơi cũng đẹp. Không đẹp không phải là NLSBD. Tất cả đã đem công sức và lòng nhiệt huyết để hoàn thành buổi họp mặt hoàn hảo. Nhưng có những vượt trội mà ai ai cũng thấy. Những “Song Kiếm Hợp Bích” như Hường Thông, Nghĩa Phụng, Lợi Đây, Có Bình Minh. "Ở đâu khó là có Có, ở đâu có Có là có Bình Minh" câu nầy nghe lóm từ các bạn trên du thuyền. Cùng với những anh hùng hào kiệt khác như Thảo, Nghĩa, Hai, Lợi, Tài, Tứ, Hoài Nguyên… và nhiều, nhiều lắm mà mình quen mặt nhưng không nhớ tên. Xin lượng thứ.

Có về với Đại Hội lần nầy, các bạn sẽ có cảm tưởng như về chốn xưa. Các bạn sẽ đi qua cổng trường thân yêu thuở nào. Qua cây cầu Ngang để ôn lại tháng ngày có nhau thấm thía. Qua vòng quay nước mà mỗi giọt nước đổ xuống là “nước bao nhiêu giọt anh (em) thương nàng (chàng) bấy nhiêu”. Hãy ghé vào Quán Cơm Xã Hội. Nơi đó có tao với mầy, với mấy chén cơm Lưu Bình Dương Lễ. Có thực mới vực được đạo. Toàn là những cao lương mỹ vị từ tay những Bà Chị trứ danh như Chị Thuyết, Chị Thu Hà, Chị Kim Chi, Chị Phụng, Chị Lợi và nhiều Chị nữa… Sự đóng góp công sức to lớn đó cũng chỉ là bổn phận của những đứa con ruột NLS phải có cho trường mẹ. Có những đóng góp to lớn khác cần phải được vinh danh. Xin được nhắc tới những chàng rể và những nàng dâu - người dưng khác họ lỡ đem lòng nhớ thương – vì chàng, vì nàng mà phải gánh lấy giang sơn nhà vợ, nhà chồng. Một Anh Cát, chồng Chị Thuyết. Đã phải thức tới hơn một giờ sáng để nấu hai nồi cơm. Xới ra cho xốp, để nguội. Cắt và ướp thịt cho ngày mai sáu giờ sáng để Chị làm cơm chiên còn Anh nướng thịt cho món bún. Một Ân, vợ Nghĩa. Bôn ba để tìm cho được bảy nhiên liệu tốt nhất cho nồi Sâm Bổ Lượng. Đứng hơn ba tiếng đồng hồ quậy tới, quậy lui chỉ vì sợ khét dưới đáy nồi. Một Loan, vợ Huy. Đã gọi phôn tới tấp. Email mỏi tay, tiếp nối người nầy với người kia. Như là một nữ tướng chỉ huy trận địa. Một Linh, vợ Thế. Chạy đôn chạy đáo để tìm cho được những miếng thịt cho thật tươi rồi xay, rồi pha trộn để làm nhân. Phải ở tạm nhà Chị Thuyết để nướng gần 120 cái paté chaud cho kịp buổi ăn sáng trong ngày Đại Hội. Một Thủy, vợ Long. Đã nâng niu, cẩn trọng, gói từng viên ô mai, xí muội, ở một nơi thật xa mà đem về Đại Hội mời các Thầy Cô và Anh Chị thưởng thức. Một Chị Lợi vợ Anh Đây. Như là nữ tướng xông pha ngoài trận mạc. Một mình hai tay chăm chút, sắp xếp từng món ăn, tận tình phục vu từng món khoái khẩu để cung cấp đầy đủ năng lượng cho tất cả mọi người tham dự kỳ Đại Hội 6 năm nay. Một Thông chồng Hường. Nơi nào có Hường là nơi đó có Thông, ở bất cứ cuộc họp mặt nào, bất kể thời gian và không gian. Muốn tìm Anh Thông, quí vị chỉ cần nhìn một góc nào đó. “Anh đứng đó như hình một pho tượng, tìm ai đây, đợi ai đây, và chờ ai đây?” Anh không tìm, không đợi, không chờ ai hết. Anh chỉ tìm niềm vui của mình trong niềm vui của bằng hữu. Thỉnh thoảng Anh nở một nụ cười rất nhẹ nhưng thân thiện, ấm áp. Cũng nên nhắc đến một chút những người trẻ của thế hệ nối tiếp. Những đứa con trong gia đình Song Hỉ. Một chàng Bác Sĩ trẻ Thiên Vũ đã tạm thời gác lại ống chích, ống nghe, chạy đi chạy lại, nối từng sợi dây điện, để chúng ta có được những làn áng sáng và những âm thanh tuyệt hảo. Một cô gái dễ thương Hồ Vân. Lo về chuyện vệ sinh trong khuôn viên trong thời gian dài Đại Hội, và đặc biệt nhất là ngày hậu đại hội, khi mọi người đã bay cao, chạy xa, chia tay về muôn hướng. Còn nhiều và rất nhiều nữa những đóng góp từ các bạn, bất kể Ban, Ngành, Khóa, từ trong hay ngoài nước mà vì trí nhớ hạn hẹp không thể kể ra hết. Một lần nữa – Xin lượng thứ!

 

 

 

 

Rồi ngày Đại Hội cũng qua. Nhưng vẫn có một số Thầy Cô và bạn hữu còn lưu luyến chưa muốn chia tay nên đã cùng nhau hẹn gặp lại trên chuyến du thuyền 5 ngày 4 đêm tìm về xứ Mễ. Có Cô Vàng ham vui, nơi nào vui là có Cô, nơi nào có Cô là vui. Có Cô Kim Chi, đi mà như chạy. Cô Vàng phải nói “theo nó muốn hụt hơi”. Có Cô Kiều bà xã Thầy Hào, một nhân vật đặc biệt, biết rất nhiều ngoại ngữ, trông ngây ngô nhưng rất chân thật. Nhất là mỗi lần mắng yêu Thầy Hào “Cái ông này quỉ quá”.  Ai ai trên tàu cũng đồng ý là chuyến đi nầy, Cô Kiều tiến bộ thấy rõ. Và cả Chị Phụng nữa. Tiến bộ nhiều lắm. Hiểu hết những thâm thúy trong “Thâm cung bí sử”. Nhưng rất là thiếu xót khi không nhắc đến 3 ông Sư, ăn mặn cũng được mà ăn chay cũng xong. Sư phụ Hào và 2 chàng Sư trẻ, Minh chồng Nguyệt và Soleh chồng Xuyến.

Gặp nhau ở bửa ăn sáng ngày đầu tiên, ai cũng thắc mắc sao mà đêm qua sóng êm biển lặng mà tàu lắc dữ vậy. Hỏi ra mới biết Thầy Hào dùng thuốc. Gạ xin thì Thầy đòi 5 đồng. Soleh tức lắm, nên khi tàu cặp bến Mễ, anh là người phóng lên bờ sớm nhất, không thèm chờ đợi Thầy Cô bè bạn. Chạy một mạch đến tiệm thuốc tây. Bao nhiêu thuốc 2L (LL), anh chàng mua hết. Thầy Hào đi sau, không còn gì. Đành chịu. Nhưng không, dễ gì chịu thua, nên Thầy cũng xông xáo tìm tòi đâu đó được thuốc 3L (LLL). Vừa về lại tàu, Thầy nói "đứa nào muốn, đưa 5 đồng". Có anh chàng nào đó kể: "Tôi mới điện thọai cho Thầy Đức. Thầy Đức nói thuốc Mễ sao bằng thuốc Canada. Thầy có thuốc 4L (LLLL)** nè. Thầy đêm nào cũng uống. Tụi mầy cần thì Thầy gởi cho mỗi đứa 6 viên xài đủ một tuần. Mỗi đêm một viên. Chủ nhật nghĩ chứ mà tụi bây uống 7 viên một tuần là chôn tụi bây luôn".

Còn Cô Vàng, về lại tàu với vẻ mặt hí hửng như cô dâu mới.

- Hôm nay tao mới được “đi ngựa”, sướng quá, dễ gì mà được “lên ngựa Mễ” hả tụi bây, đã lắm!!!

Nhưng khi thấy các cô cậu học trò cười ồ lên, Cô mới chữa thẹn:

- Tụi mầy quỉ quá!

Đêm cuối rồi cũng đến. Ai ai cũng than đúng một câu - lại lên cân nữa rồi – mà ác thiệt chớ, chỗ mình muốn lên mà nó không chịu lên. Lên đâu không lên, cứ nhầm cái bụng mà lên. Thế mới khổ!!!

Ngày vui nào cũng qua thật mau nhưng kỷ niêm thì khó có thể phai nhòa. Không biết đường đời muôn lối còn lối nào cho ta gặp lại nhau. Một lần chia tay là một lần thầm hỏi - biết ngày sau có còn gặp lại. Nhưng thôi. Đó là nhân duyên, thiên định. Đừng nghĩ đến, mà chúng mình chỉ cần biết một điều là “ Khi nào Đại Hội 7 khai mạc?”…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

** Nếu Các Bạn nào muốn biết về thuốc L, xin vui lòng liên lạc với Thầy Hào, hay Anh Soleh sẽ có nhiều chi tiết hấp dẫn.

 

Phạm Văn Thế (MS2)